Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Trường đại học xây dựng Hà Nội – Nơi đào tạo kỹ sư hàng đầu

0

Cập nhật vào 31/07

Trường Đại học Xây dựng có lịch sử hơn 60 năm, tiền thân là khoa Xây dựng trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện nay trường Đại học Xây dựng phát triển thành một trường hàng đầu trên địa bàn Hà Nội. Đây là nơi đào tạo ra những kỹ sư xây dựng hàng đầu cho tổ quốc.

Những thông tin chính trong bài:

  1. Giới thiệu về trường đại học Xây dựng
    1.1. Thời kỳ là khoa Xây dựng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (1956 – 1966)
    1.2. Thời kỳ đi sơ tán (1966 – 1983)
    1.3. Thời kỳ ổn định và phát triển (1983 – nay)
    1.4. Địa chỉ trường ĐHXH hiện nay
  2. Cơ cấu bộ máy của trường Đại học Xây Dựng
  3. Mục tiêu của nhà trường
    3.1. Sứ mạng
    3.2. Tầm nhìn
    3.3. Giá trị cốt lõi
  4. Quy mô đào tạo
  5. Đội ngũ cán bộ
  6. Thành tựu
  7. Cơ sở vật chất trường ĐHXD
  8. Cách đi đến Đại học Xây dựng Hà Nội
    8.1. Từ bến xe Mỹ Đình
    8.2. Từ bến xe Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát
    8.3. Từ bến xe Yên Nghĩa
    8.4. Từ bến xe Gia Lâm

Với lịch sử hơn 60 năm, trường đại học Xây dựng Hà Nội (tiền thân là khoa xây dựng Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã đi lên và phát triển trở thành một trong những trường học hàng đầu của khu vực Hà Nội. Đây là nơi đào tạo những kỹ sư xây dựng, kiến trúc hàng đầu của ngành xây dựng nước nhà.

Trường đại học Xây dựng

1. Giới thiệu về trường đại học Xây dựng

Đại học Xây dựng (ĐHXD) được thành lập theo Quyết định số 144/CP ngày 8 tháng 8 năm 1966 của Hội đồng Chính phủ, tiền thân là Khoa Xây dựng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, trường phải rời Thủ đô Hà Nội đi sơ tán ở nhiều nơi trên các tỉnh Hà Bắc, Vĩnh Phú… Cuối năm 1983, trường  chuyển về Hà Nội nhưng vẫn còn phân tán ở 4 khu vực: Cổ Nhuế, Phúc Xá, Bách Khoa và Đồng Tâm.

Đến năm 1991 trường mới tập trung tại Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Năm 2014, Trường đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo thực nghiệm tại Hà Nam với diện tích trên 24ha.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Trường ĐHXD đang tập trung mọi cố gắng để đào tạo ra đội ngũ kĩ sư, kiến trúc sư năng động, sáng tạo, có khả năng giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới.

Đến nay, trường đã đào tạo cho đất nước trên 60.000 kĩ sư, kiến trúc sư, trên 2000 thạc sĩ và tiến sĩ đồng thời thực hiện nhiều đề tài khoa học, các dự án lớn và chuyển giao công nghệ.

Các cựu sinh viên của trường, nhiều người đang giữ trọng trách ở các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, ở các  tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty…Nhiều người được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Tính đến tháng 31/3/2018, có 9 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND,87 lượt  nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGUT; 56 nhà giáo được phòng hàm GS, 208 lượt nhà giáo được phong hàm PGS.

1.1. Thời kỳ là khoa Xây dựng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (1956 – 1966)

Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về tái lập hoà bình ở Đông Dương được ký kết, đất nước ta bước vào một trang sử mới, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bắt đầu thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH). Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải phát triển nhanh chóng sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó có đào tạo trình độ đại học.

Ngày 6 tháng 3 năm 1956, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK) – trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước ta được thành lập gồm 10 khoa, trong đó có Khoa Xây dựng.

Khi mới thành lập, Khoa Xây dựng chỉ có 8 cán bộ chủ chốt là các thầy giáo: Lê Tâm, Nguyễn Sanh Dạn, Nguyễn Văn Hường, Vũ Văn Tảo, Lê Đỗ Chương, Lê Thạc Cán, Nguyễn Văn Cung và  Nguyễn Đơn Giản.

Chủ nhiệm khoa đầu tiên là thầy giáo Lê Tâm, Kỹ sư Cầu đường từ Pháp về nước năm 1946; Phó chủ nhiệm khoa là thầy giáo Nguyễn Sanh Dạn, Kỹ sư Công chính từ Bộ Quốc phòng về.

Địa điểm làm việc của khoa là một phần nhà D trong khu Đông Dương học xá.

Ban đầu Khoa Xây dựng đào tạo 3 ngành: Xây dựng cầu đường, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng thuỷ lợi  – cảng.

1.2. Thời kỳ đi sơ tán (1966 – 1983)

Cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ đã tàn phá nặng nề các cơ sở hạ tầng, các công trình xây dựng trên toàn miền Bắc. Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của miền Bắc buộc phải chuyển hướng, từ tập trung chuyển sang phân tán, từ thời bình chuyển sang thời chiến, để giảm sự thiệt hại đến mức thấp nhất.

Khoa Xây dựng sau 10 năm phấn đấu và trưởng thành đã có những tiềm lực và khả năng đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết để tách khỏi Trường Đại học Bách khoa, thành lập Trường Đại học Xây dựng.

Từ năm 1966 đến 1983, Trường Đại học Xây dựng đã di chuyển địa điểm nhiều lần từ Hà Nội sơ tán về Hà Bắc, phân tán dọc hai bên bờ sông Đuống thuộc hai huyện Quế Võ và Gia Lương.

Đến năm 1970, kết thúc giai đoạn phân tán, trường di chuyển tập trung về Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú). Một bộ phận nhỏ còn ở lại khu Chèm (xã Tiền Phong – huyện Mê Linh – tỉnh Vĩnh Phú).

Những năm 1966-1975, nhà trường đã gắn đào tạo với phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chi viện cho miền Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, trên 1000 sinh viên của các khoá từ 11 đến 14 đã trở lại trường tiếp tục học tập.

Để đáp ứng nhu cầu cán bộ KHKT trình độ cao, trường đã có ý tưởng mở lớp đào tạo Sau đại học, khởi đầu là hình thức bổ túc kỹ sư – năm 1975, đã có 43 học viên Cao học đầu tiên được tuyển, Khoá 2 tăng lên 64 học viên. Nhiệm vụ này do Phòng Nghiên cứu khoa học quản lý.

Năm 1977, trường được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu sinh trong nước (QĐ số 97/TTg ngày 11/3/1977).

Đến năm 1976, trường đã có 500 CBGD đạt yêu cầu về trình độ và tương đối đồng bộ về chuyên ngành, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có hơn 100 người có trình độ phó tiến sĩ và tương đương.

Tháng 11-1980, Trường Đại học Xây dựng vừa học vừa làm sáp nhập vào trường, nên đội ngũ cán bộ của trường được bổ sung thêm 200 CBGD và cán bộ quản lý. Tuy nhiên, sau khi miền Nam được giải phóng, trường được Bộ ĐH&THCN giao nhiệm vụ chi viện CBGD cho một số trường đại học phía Nam.

Ngày 27/10/1975, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 426/TTg cho phép Trường Đại học Xây dựng di chuyển từ Hương Canh về Hà Nội. Ban đầu, địa điểm được xác định ở vùng ven nội thành Hà Nội

Tháng 1/1980, UBHC thành phố Hà Nội thông báo hướng dẫn chuẩn bị xây dựng Trường Đại học Xây dựng tại xã Cổ Nhuế – Thụy Phương, huyện Từ Liêm.

Năm 1981, trường ĐHXD đã khởi công xây dựng cơ sở trường tại Cổ Nhuế.

Cuối 1983, về cơ bản Trường Đại học Xây dựng đã chuyển hết về các địa điểm tại Hà Nội nhưng vẫn còn phân tán ở 4 khu vực: Cổ Nhuế, Phúc Xá, Bách Khoa và Đồng Tâm.

1.3. Thời kỳ ổn định và phát triển (1983 – nay)

Vào cuối năm 1983, Trường Đại học Xây dựng đã chuyển từ Hương Canh về Hà Nội . Năm học 1983-1984, trường tuyển sinh Khóa 28 – khóa đầu tiên tuyển sinh tại Hà Nội, sau 17 lần tuyển sinh ở các vùng sơ tán thuộc tỉnh Hà Bắc và Vĩnh Phú.

Ngày 17/4/1986, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ký Quyết định số 100/CT phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật Trường Đại học Xây dựng với tổng diện tích xây dựng 2 vạn m2 trên vùng đất 9 ha của phường Đồng Tâm. Công trình Trường ĐHXD do trường tự thiết kế và cùng với Bộ Xây dựng tổ chức thi công.

Năm 1991, Trường Đại học Xây dựng tập trung về phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, bắt đầu giai đoạn phát triển mới Sự đổi mới trong giáo dục đào tạo trở thành yếu tố quyết định của sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước.

Từ 2006 đến nay, phát huy thế mạnh của các chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, Nhà trường đã mở rộng hoạt động đối ngoại trong nước trên nhiều mặt: Duy trì hoạt động của câu lạc bộ các trường đại học khối kỹ thuật phía Bắc thông qua các cuộc hội thảo với nhiều chủ đề phong phú, gắn kết các trường trong khối và góp phần quảng bá giới thiệu trường.

1.4. Địa chỉ trường ĐHXH hiện nay

Cơ sở chính: Số 55 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Cơ sở 2: Khu đô thị ĐH Nam Cao, Thành phố Phủ Lý, Hà Nam.

2. Cơ cấu bộ máy của trường Đại học Xây Dựng

Hiện nay trường ĐHXH có cơ cấu như sau:

  • Đảng ủy;
  • Hội đồng trường;
  • Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng;
  • Hội đồng Khoa học và Đào tạo;
  • Hội đồng Tư vấn;
  • 14 phòng, ban chức năng;
  • 15 đơn vị đào tạo (gồm các khoa, ban, trung tâm);
  • Thư viện; Trang Thông tin điện tử; Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng;
  • Trạm Y tế;
  • 55 bộ môn và 3 phòng thí nghiệm trực thuộc khoa, 2 bộ môn trực thuộc Ban Giám hiệu;
  • 16 viện nghiên cứu khoa học công nghệ
  • 01 Trung tâm hợp tác đào tạo và tư vấn quốc tế;
  • Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng;
  • Cơ sở Đào tạo thực nghiệm Hà Nam;

Cơ cấu bộ máy của trường Đại học Xây Dựng

3. Mục tiêu của nhà trường

3.1. Sứ mạng

“Sứ mạng của Trường Đại học Xây dựng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học  và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.”

3.2. Tầm nhìn

Trường ĐHXD phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế.

3.3. Giá trị cốt lõi

Chất lượng – Hiệu quả – Phát triển – Hội nhập.

4. Quy mô đào tạo

Trường ĐHXH hiện nay có tổ chức đào tạo ở cả 2 bậc: Đại học, và sau đại học.

Với bậc đại học (cấp bằng Kỹ sư, Kiến trúc sư) có các hệ đào tạo sau:

Hệ chính quy: quy mô đào tạo khoảng 19.000 sinh viên, trong đó:

  • Hệ chính quy: Gồm 24 ngành/ chuyên ngành, thời gian đào tạo 5 năm, tập trung;
  • Hệ chính quy bằng 2: Gồm 20 ngành/ chuyên ngành, thời gian đào tạo 3 năm, tập trung;
  • Hệ chính quy liên thông: Gồm 10 ngành/ chuyên ngành; thời gian đào tạo 2,5 năm, tập trung;

Với bậc sau đại học: Đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ

  • Đào tạo thạc sỹ: Gồm 17 chuyên ngành với quy mô 1.950 học viên cao học
  • Đào tạo tiến sỹ: Gồm 19 chuyên ngành với quy mô 135 nghiên cứu sinh..

Bên cạnh đó, trường còn tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn (cấp chứng chỉ) nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức với các chuyên đề xuất phát từ yêu cầu thực tiễn như Giám sát thi công xây dựng công trình, Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Đấu thầu xây dựng, Bất động sản, Các lớp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho Kỹ sư mới ra trường …

5. Đội ngũ cán bộ

Trường Đại học Xây dựng hiện có một đội ngũ viên chức trình độ chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm, tâm huyết với công việc, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Tính đến tháng 10/2015, đội ngũ cán bộ của Trường Đai học Xây dựng gồm 948 cán bộ viên chức, trong đó có 821 giảng viên và 202 viên chức hành chính. Đội ngũ giảng viên của trường là những nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu, đang tham gia giảng dạy 14 ngành ở trình độ đại học, 15 ngành  cao học và 13 chuyên ngành tiến sỹ, trong đó có:

  • Nhà giáo Nhân dân: 09
  • Nhà giáo ưu tú: 67
  • Giáo sư: 59
  • Phó Giáo sư: 223
  • Giảng viên chính: 127
  • Tiến sỹ Khoa học và Tiến sỹ: 205
  • Thạc sỹ: > 500

Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ viên chức là công việc được đặc biệt coi trọng của Nhà trường. Vì vậy, đội ngũ cán bộ viên chức ngày càng lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng.

6. Thành tựu

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, trường ĐHXH đã đạt được rất nhiều thành tựu, luôn đứng vững và không ngừng phấn đấu vươn lên cho đến ngày nay.

Đại học Xây dựng trở thành một trung tâm đào tạo, NCKH & chuyển giao công nghệ lớn, uy tín của đất nước, xứng đáng với nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng.

Tập thể trường ĐHXD:

  • Năm 2006: Huân chương Hồ Chí Minh
  • Năm 2001: Huân chương Độc lập hạng Nhất
  • Năm 1996: Huân chương Độc lập hạng Nhì
  • Năm 1991: Huân chương Độc lập hạng Ba
  • Năm 1986: Huân chương Lao động hạng Nhất
  • Năm 1983: Huân chương Lao động hạng Nhì
  • Năm 1978: Huân chương Lao động hạng Ba
  • Năm 1973: Huân chương Chiến công hạng Ba

Tập thể và cá nhân:

  • 54 Huân chương Lao động (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba) và hàng trăm bằng khen của Chính phủ, các Bộ, tỉnh và thành phố cho các tập thể và cá nhân.
  • 500 Huân, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, trên 600 Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho các cán bộ của trường.
  • Bộ môn Đường ôtô và đường thành phố được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng.
  • Đảng bộ Trường ĐHXD là Đảng bộ vững mạnh trong nhiều năm, được Thành ủy Hà Nội 4 lần tặng cờ Đảng bộ vững mạnh, năm 2015 là một trong 5 trường đại học, cao đẳng thuộc Đảng bộ Khối các trường ĐH &CĐ Hà Nội được Thành uỷ  tặng bằng khen đạt tiêu chuẩn tổ chức cơ sở Đảng “Trong sạch, vững mạnh” tiêu biểu 5 năm liền từ 2010-2014. Thành ủy Hà Nội  tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác các năm: 2015, 2016, 2017.  Năm 2016, nhân kỷ niệm 60 năm đào tạo, 50 năm thành lập Trường Đại học Xây dựng vinh dự được Thành ủy Hà Nội tăng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội; liên tục từ năm 2010 đến 2017, được Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội tặng Giấy khen “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu”.
  • Công đoàn Trường ĐHXD được Nhà nước trao tặng hai Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba, 8 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Hà Nội và Công đoàn ngành trao tặng cờ Đơn vị xuất sắc và rất nhiều bằng khen của Công đoàn cấp trên, Công đoàn quận Hai Bà Trưng trao tặng….
  • Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Thành đoàn Hà Nội tặng nhiều bằng khen Đoàn trường xuất sắc.

7. Cơ sở vật chất trường ĐHXD

Tại Hà Nội, trường có tổng diện tích hơn 3.9ha, trong đó gồm có:

  • Khu giảng đường là nhà H1(6 tầng ) và nhà H2 (4 tầng).
  • Nhà Thư viện (4 tầng).
  • Nhà Thí nghiệm (10 tầng).
  • Trung tâm thể thao 1403m².
  • Hội trường G3 (900 chỗ).
  • Khu làm việc nhà A1 (6 tầng).
  • Ký túc xá sinh viên 7464m2/1500 giường.

Cơ sở vật chất trường ĐHXD

Hiện nay, trường đang đầu tư xây dựng cơ sở Đào tạo thực nghiệm tại Khu Đô thị Đại học Nam Cao – thành phố Phủ Lý – tỉnh Hà Nam với diện tích trên 24ha.

Cơ sở 2 trường ĐHXD tại Hà Nam

8. Cách đi đến Đại học Xây dựng Hà Nội

Từ 5 bến xe khách chính của Hà Nội, để đi đến trường Đại học Xây dựng, bạn có thể đi theo lộ trình như sau:

8.1. Từ bến xe Mỹ Đình

Đoạn đường đi khoảng 10.1km, theo lộ trình: Bến xe Mỹ Đình – Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi – Trường Chinh – Giải Phóng – ĐHXD Hà Nội.

Từ bến xe Mỹ Đình đến ĐHXD

8.2. Từ bến xe Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát

Đoạn đường từ bến xe Nước Ngầm đến trường ĐHXD sẽ đi qua bến xe Giáp Bát, khoảng cách 4.3km.

Lộ trình đường đi: Bến xe nước Ngầm – Ngọc Hồi – Giải Phóng – Qua Bến xe Giáp Bát – Giải Phóng – Đại học Xây Dựng Hà Nội.

Từ bến xe Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát đến ĐHXD

8.3. Từ bến xe Yên Nghĩa

Đoạn đường dài khoảng 13.5km theo lộ trình: Bến xe Yên Nghĩa – Quang Trung – Trần Phú – Nguyễn Trãi – Trường Chinh – Giải Phóng – Đại học Xây dựng Hà Nội.

Từ bến xe Yên Nghĩa đến ĐHXD

8.4. Từ bến xe Gia Lâm

Đoạn đường đi dài khoảng 9.9km theo lộ trình: Bến xe Gia Lâm – Ngọc Lâm – đường Long Biên – Xuân Quan – Lên Cầu Chương Dương – Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư – Nguyễn Khoái – Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – Giải Phóng – Quay đầu tại số 88 Giải Phóng – Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội.

Từ bến xe Gia Lâm đến ĐHXD

Bài viết được daihocvietnam.edu.vn tổng hợp và chia sẻ

5/5 - (1 bình chọn)
Share.

Comments are closed.